Đăng bởi: Nguyễn Đình Sinh | Tháng Một 15, 2012

Ông Táo: Truyền thuyết và cổ sử Việt Nam (23. tháng Chạp)

Ông Táo: Truyền thuyết và cổ sử Việt Nam kỳ 1

 Thế gian một vợ, một chồng,

không như vua bếp, hai ông một bà

 Thần Bếp hay còn gọi là ông Táo, Táo quân, ông Công, ông vua Bếp.  Ông Táo có nhiệm vụ ghi chép tất cả những hành vi và lời nói của những người ở trong gia đình thần trông nom.  Hàng năm cứ vào ngày hai mươi ba tháng chạp ông Táo, cưỡi cá chép về trời tâu với Ngọc Hoàng thượng đế trong một bản tường trình gọi là Sớ Táo quân nói về những chuyện đã xẩy ra trong năm qua của gia chủ và những việc thiện ác của nhân gian.  Tùy theo lời ông Táo tâu trong sớ mà gia đình ông Táo đang ở trong năm tới sẽ gặp được sự lành hay dữ. 

 Tẩn mẩn tê mê vì cô bán rượu,Ðể đưa tiễn ông Táo về chầu trời, người ta làm lễ cúng tiễn gọi là Chạp ông Công.  Ðồ cúng thường là hoa quả, xôi gà hay chân giò heo.  Ðể hối lộ, đấm mồm, đấm mép Thần Táo, trong các món đồ cúng, người Trung Hoa có món mật mía, hầu mong ông Táo nói toàn những chuyện ngọt như đường như mật cho Ngọc Hoàng nghe.  Thần Táo là một bộ ba hai ông một bà.  Chúng ta thường được kể chuyện về bộ ba ông bà thần bếp như sau:  Ngày xưa có hai vợ chồng chú tiều phu rất nghèo khổ nọ sống ở ven rừng, không có con cái.  Người chồng hay rượu chè tối ngày bỏ bê công ăn việc làm:

Liệt chiếu liệt giường vì chị bán nem.

 Người vợ đã nhiều lần can gián.  Nhưng người chồng vẫn chứng nào tật nấy, tối ngày ngâm nga:

 Còn trời, còn nước, còn non,
Còn cô bán rượu, anh còn say sưa

 Càng say sưa rượu chè, không những bỏ bê việc làm ăn mà người chồng lại càng hành hạ, đánh đập vợ.  Người vợ vì thương chồng nhẫn nhục chịu đựng nhưng một ngày kia người chồng say bí tỉ “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”, đánh đập vợ tàn nhẫn rồi đuổi vợ đi.  Người đàn bà đi lang thang vào mãi tận sâu trong rừng.  Ðến tối đêm thì thấy một ánh lửa ở một căn nhà giữa rừng.  Chị gõ cửa vào xin tá túc.  Chủ căn nhà là một người thợ săn sống một mình.  Chị kể lể sự tình, người thợ săn thương tình chấp thuận cho chị ở lại.  Sau đó hai người sống với nhau như vợ chồng.  Người thợ săn rất yêu vợ.  Người tiều phu chồng cũ thấy vợ bỏ đi đâm ăn năn hối hận rồi một sáng nọ quyết định đi vào rừng tìm vợ.  Ðến xẩm tối, người này cũng đến căn nhà giữa rừng.  Gõ cửa xin vào tá túc.  Một người đàn bà ra mở cửa.  Anh nhận ra chính là vợ mình.  Hai người mừng tủi gặp lại nhau.  Người tiều phu năn nỉ người vợ trở về sống với mình.  Hai người đang chuyện trò thắm thiết với nhau bỗng người thợ săn về nhà.  Người đàn bà sợ hãi vội dấu người chồng cũ vào đống lá.  Người thợ săn đem con thú mới săn được bỏ vào đống lá để thui.  Người thợ rừng, chồng cũ của người đàn bà không dám xuất đầu lộ diện sợ mang tai họa làm đổ vỡ hạnh phúc của người vợ, đành cam chịu chết cháy.  Thấy người tiều phu chồng cũ bị chết cháy, người đàn bà vẫn còn yêu người chồng cũ tự cho rằng mình đã giết người chồng cũ vì dại dột dấu anh ta trong đống lá.  Bà liền nhẩy vào đống lửa chết theo.  Người thợ săn thấy vợ mình tự thiêu, thương vợ tưởng mình đã làm điều gì trái nghĩa khiến nàng phải tự tử nên cũng nhẩy vào đống lửa chết theo.

Một truyền thuyết khác tương tự ở vùng đồng ruộng lại kể rằng:  Ngày xưa có hai vợ chồng rất yêu nhau nhưng vì quá nghèo phải bỏ nhau.  Sau người vợ lấy được một người chồng giầu có. Một hôm tình cờ người chồng cũ đi ăn xin đến nhà người vợ cũ.  Người vợ đem tiền của ra giúp chồng.  Nhân lúc đó người chồng mới về.  Người đàn bà dấu chồng cũ trong đống rơm.  Người chồng mới đốt rơm lấy tro bón ruộng.  Người chồng cũ chịu chết cháy để giữ hạnh phúc cho vợ. Người vợ cảm kích nhẩy vào lửa chết theo.  Ông chồng mới thương vợ cũng nhẩy vào đống lửa chết cháy.  Ngọc  Hoàng  động  lòng thương thấy ba người đều chết cháy vì tình vì nghĩa nên phong cho họ thành bộ ba ông bà Táo chụm đầu vào nhau trong bếp lửa.  Thần bếp của chúng ta vì thế có một bà hai ông và gọi là Thần Táo.

Hàng năm chỉ ông Táo về trời trình thượng đế còn bà Táo ở lại nên nếu ông Táo mách chuyện gì không tốt với Thượng đế thì bà Táo ở lại sẽ chịu những lời đắng cay của người đời:

 Gió đưa ông Bếp về trời,

Bà Bếp ở lại chịu lời đắng cay.

 Táo là gì?

 Trước khi đi tìm nguồn cơn, khúc nhôi của câu chuyện này, ta hãy tìm hiểu xem tại sao lại gọi thần bếp là Táo.  Táo là gì?  Từ Táo có nghĩa là ông thần Bếp.  Táo có gốc Tá – có nghĩa là Lửa. Mặt Trời.  Ta thấy từ “tá” đi đôi với từ “hỏa” như trong những từ ghép “tá hỏa”, “tá hỏa tam tinh”. Cổ ngữ Mường Việt gọi các vị thần tổ phái nam thuộc dòng mặt trời, dòng lửa là Tá ví dụ Tá Cần, tá Cài.  Theo bài hát tế Ðẻ Ðất Ðẻ Nước tức Mẹ Ðất Mẹ Nước ở Thanh Hóa thì vua Hùng Vương Dịt Dàng và tá Cài cùng sinh ra từ trăm cái trứng của bà Ngu Cơ, tức bà Âu Cơ:

 Trứng một đẻ ra ông Dịt Dàng,

Trứng hai đẻ ra ông Lang Tá Cài,

Trứng ba nở ra ông Lang Tá Cần . . .

 Ba Tư ngữ “Tarr” là thần lửa.  Ai Cập ngữ Ptah, Tatom, Tatum là thần mặt trời.  Tá là tổ, là tỏ, là mặt trời, là lửa.  Ông Táo là ông Tá , ông Lửa, tức ông Thần Bếp Lửa.  Từ táo liên hệ tới lửa nên còn có các nghĩa phụ khác là khô, cứng như bị “táo bón”, cây “táo”.  Cây táo là loại cây chịu đựng được khô hạn.  Quả táo cũng được phơi khô dùng để hầm thức ăn và làm vị thuốc.  Quả táo là quả khô có dương tính.  Ông Táo là Thần Bếp lửa.

Bếp là gì?  Bếp là nơi có lửa nấu thức ăn nước uống.  Bếp có gốc bế – ruột thịt với “bễ” có nghĩa là ống thổi lửa như ống bễ thợ rèn, kéo bễ thổi lửa như thường ví hai cái lỗ mũi như hai cái ống bễ.  Bếp liên hệ với “bật” là làm sáng lên như bật đèn, bật lửa, bật diêm quẹt…. Bễ, bếp, bật… liên hệ với Phạn “bhà-”, sáng, làm sáng lên.  Vậy bếp liên hệ với lửa.  Tóm lại ông Táo là ông Lửa, ông Thần Bếp Lửa.

 Tại sao thần táo lại cỡi cá chép về chầu trời?

 Theo truyền thuyết, thần Táo cỡi cá chép về chầu Ngọc Hoàng.  Trong các món đồ cúng ông Táo có món cá chép còn sống bơi trong chậu nước để ông Táo dùng làm phương tiện di chuyển về trời.  Tại sao Thần Táo lại cưỡi cá chép?  Ông Táo có thể cỡi cá chép bay về trời được vì cá chép có thể hóa ra rồng bay lên mây, lên trời được.  Cá chép “hóa rồng” thấy qua câu ca dao sau này:

 Bao giờ cá chép hóa rồng,

Bõ công cha mẹ bế bồng ngày xưa.

 Theo truyền thuyết thì:

 Mồng bốn cá đi ăn thề,

Mồng tám cá về, cá vượt Vũ-môn.

Vũ-môn là một chỗ có nhiều ghềnh thác trên Trường Giang tức sông Dương Tử thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày nay.  Cứ đến ngày mồng tám tháng tư thì cá chép ở các nơi qui tụ về chỗ ghềnh thác này để thi nhẩy.  Con nào nhẩy vượt qua được ba bậc của ghềnh thì hóa thành rồng.  Cá chép hóa rồng nên cá chép cũng được dùng làm biểu tượng cho vua Rồng Lạc Long Quân.  Người Mường thờ cá chép coi như là Lạc Long Quân và con nai sao là Âu Cơ.  Chúng ta cũng coi cá chép là biểu tượng cho Lạc Long Quân. Chứng tích cá chép liên hệ đến Lạc Long Quân thấy qua câu sử miệng ca dao cổ ở làng Lệ Mật, Gia Lâm ngoại ô Hà Nội:

 Ðến ngày 23 tháng ba,

Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê,

Kinh Quản, Kinh Cự đề huề,

Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây.

 Cứ đến ngày 23 tháng 3 âm lịch, dân làng Lệ Mật đánh cá ở giếng đình để lấy “cá đóng dấu đem dâng thánh ăn gỏi.  Ðó là những con cá chép có dấu son đỏ trên vẩy.  Dân làng bảo đó chính là Hồ Tây cá nhẩy đi về trong mây” (Ðặng Văn Lung, Nguyễn Thị Huế, Trần Gia Linh, Văn Hóa Luy Lâu và Kinh Dương Vương, NXB Hội Nhà Văn, 1998 tr.61).

 Hồ Tây là hồ Thầy, hồ Mặt trời lặn, hồ Lạc Long Quân.  Cá nhẩy đi về trong mây tức là cá hóa long chính là cá chép, cá biểu của Lạc Long Quân.  Câu cá chép hóa rồng, cá vượt Vũ Môn cũng chỉ về sự học hành đỗ đạt, làm nên danh phận.  Ngày xưa chỉ phái nam mới học hành thi cử làm nên công danh vì thế cá chép vượt Vũ môn đã được người Nhật đem vào ngày lễ Con Trai vào tháng 5.  Tại sao lại chọn tháng 5.  Xin thưa số 5 theo Dịch là Li, lửa, mặt trời, dương.  Trong ngày lễ Con Trai, nhà nhà người Nhật đều treo phướn cá Koi, một loại cá chép màu rất đẹp với niềm mơ ước là con trai mình sau này như cá chép hóa long. Cũng chính vì cá chép dùng làm phương tiện về trời của thần bếp lửa vào tháng cuối tháng chạp mà chúng ta gọi nó là cá “chép”.  “Chép” biến âm với “chạp”.  Cá chép là cá tháng chạp.  Chép và chạp đều có nghĩa là “hai”.  Thật vậy với h câm, ta có chạp = cạp, cặp.  Tháng chạp là tháng cặp, tháng hai.  Theo biến âm ch=k như chênh=kênh, ta có chép=kép, có nghĩa hai: “rộng làm kép, hẹp làm đơn”.  Người Việt chúng ta gọi là tháng 11 ta là tháng một và tháng 12 ta là tháng chạp, tháng cặp, tháng hai và tháng một ta gọi là tháng giêng:

 Tháng giêng ăn tết ở nhà,

Tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà.

.. .. .. .. .. .. ..

Tháng một, tháng chạp nên công hoàn toàn.

 Rõ ràng cá chép là cá kép, cá cặp, cá chạp.  Cá chép là cá tháng chạp.  Do đó cá chép được dùng làm phương tiện về trời của ông Táo vào ngày hai mươi ba tháng chạp ta.  Ngoài ra cá chép có râu mang nam tính, dương, lửa, môi mép, vẩy vi viền đỏ là con cá lửa.  Cá chép còn gọi là cá gáy.  Nếu hiểu gáy là tiếng hót thì gáy là biểu tượng cho đực, hùng tính.  Con chim, con gà chỉ con đực mới gáy.  Gáy biến âm với gay là đỏ.  Ðỏ gay.  Ðỏ là tỏ là mặt trời, lửa.  Hán ngữ cá chép là lí ngư.  Lí biến âm với li là lửa.  Lí ngư là cá lửa.  Như thế cá chép liên hệ tới lửa điều này giải thích tại sao ông Táo Thần Bếp lửa cỡi cá chép về trời.

Ông Táo: Truyền thuyết và cổ sử Việt Nam kỳ 2

 Ông táo không mặc quần

 Cũng theo truyền thuyết ông Táo chỉ đội mũ, đi hia không mặc quần như thấy qua câu thơ của một nhà văn:  Ðội mũ đi hia, chẳng mặc quần. Ðồ mã cúng ông Táo không bao giờ có quần. Câu ca dao dưới đây cho thấy ông Táo ở trong bếp lửa ấm cúng nên không cần nhiều đồ mặc, không cần quần và ở trong bếp nên cũng không phải lo về vấn đề ăn uống; ông Táo không phải lo ăn, lo mặc nên chẳng phải lo gì nhiều so với ông Cả:

 Ông Cả ngồi trên sập vàng,

Cả ăn, cả mặc, lại càng cả lo.

Ông Bếp ngồi trong đống tro,

ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm.

 Tại sao thần táo lại hai ông một bà?

 Bây giờ ta hãy tìm xem tại sao bộ ba vị thần này lại hai ông một bà?  Câu chuyện Thần Bếp hai ông một bà này đã đi sâu vào đời sống dân dã Việt Nam.  ở thôn quê Việt Nam cái bếp thường được làm bằng cách nặn ba cục đất sét gọi là ba ông đầu rau.  Cục ở giữa có cái lỗ ấn lõm vào chỗ ngang người.  Cái lỗ đó thường cho là cái lỗ rốn.  Cục có rốn để ở giữa là bà Táo.  Hai cục hai bên không có . Có một điều rất lấy làm lạ là tại sao chỉ có bà Táo mới có rốn còn hai ông Táo đàn ông lại không có rốn?  Chắc chắn cái rốn của bà Táo phải có một ý nghĩa gì bí ẩn đây?  Chúng ta sẽ thấy rõ ở dưới.  Cái thắc mắc nữa là tại sao lại gọi bộ ba ông bà Táo là ba ông đầu rau?  Xin thưa ‘rau’ là biến âm với ‘nhau’ như ta thấy qua từ lá nhau hay lá rau (placenta) của bà đẻ.  Ba cái đầu rau là ba cái đầu nhau.  Với h câm, ta có nhau là nau, là nấu.  Ðầu rau là đầu nấu.  Ba cái đầu rau là ba cái đầu để nấu.

 Tại sao thần Táo lại hai ông một bà?  Mọi người đều tin như vậy, mà lại tin vào một chuyện tréo cẳng ngỗng là “hai ông một bà”.  Xã hội của chúng ta trước đây là một xã hội đa thê chứ không chấp nhận đa phu:

 Ðàn ông năm thê, bảy thiếp,

Gái chính chuyên chỉ có một chồng.

 Luân lý xã hội thường thường khuyên chỉ nên có một vợ một chồng, không nên bắt chước vua Bếp hai ông một bà:

 Thế gian một vợ một chồng,

Không như vua Bếp hai ông một bà.

hay:

Nhận, phải hợp với cương thường đạo lý thì câu chuyện này mới phổ biến rộng rãi và tồn tại từ đời này qua đời nọ.  Bắt buộc phải dựa vào một cái gì mà mọi người nhất là các nhà khoa bảng, quan quyền đồng ý như vậy.  Ði tìm ‘cái gì đó’, tôi đã tìm cách bắt mạch để chẩn đoán ba vị thần bếp hai ông một bà này.  Úi da! Chút nữa phỏng cả tay.  Bộ ba thần bếp lửa có mạch Hỏa!  Mạch nóng bỏng cả tay.  Hỏa là lửa.  Lửa là Li.  Li vi hỏa.  Eureka!  Ðây chính là quẻ Li trong Dịch kinh.  Quẻ Li gồm hai hào dương hình hai cái que, hai cái nọc kẹp ở giữa một hào âm tức cái que đứt đoạn.  Nếu viết theo Việt Dịch Nòng Nọc thì hai hào dương là hai cái que và hào âm ở giữa là cái vòng tròn: (IOI), Li.  Hai hào dương, hai cái nọc hai bên là hai ông Táo đực rựa.  Còn hào âm ở giữa nếu viết theo Chu Dịch là cái que đứt đoạn là cái khe, cái kẽ, còn viết theo Việt Dịch Nòng Nọc là vòng tròn, là cái lỗ biểu tượng cho phái nữ tức bà Táo.  Cái rốn ở cái đầu rau Táo bà chính là cái hào âm vòng tròn Nòng.  Ðiều này giải thích tại sao bà Táo đầu rau có cái lỗ rốn.  Ðây là cái rốn mang âm tính và dĩ nhiên hai ông Táo đầu rau không có cái rốn loại này.  Như thế chuyện thần bếp hai ông một bà nguồn từ quẻ Li là lửa trong Kinh Dịch.  Thần Li, Thần Lửa là Thần Bếp.

  Quẻ Li viết theo Dịch Nòng nọc.

Hai hào dương hai bên là hai ông

Táo và hào âm ở giữa là bà Táo

Quẻ Li viết theo Chu Dịch

 Tóm lại truyện bộ ba hai ông một bà Táo, Thần Bếp Lửa dựa trên quẻ Li (IOI), tức quẻ Lửa của Dịch kinh có mặt trong truyền thuyết Việt.  Một lần nữa qua cái lỗ rốn tròn là hào âm nòng cho thấy Dịch Nòng Nọc âm dương đề huề là loại Dịch nòng cốt của đại tộc Việt coi âm dương đề huề hay hơn nữa coi mẹ hơn cha. Nguyễn Van Hoa` suu tam  (Nguồn: Nguyễn Xuân Quang)

BÀI 3. Hiểu thêm về Tết ông Công, ông Táo

Trong dân gian, hàng năm Tết ông Công, ông Táo diễn ra nhằm đúng ngày 23 tháng Chạp (âm lịch) khá long trọng, độc đáo. Từ ngày có gia đình, tôi bắt đầu quan tâm đến cái Tết này hơn. Nói về sự tích ông Táo chắc ai cũng biết, có nhiều truyền thuyết, sau đây là câu chuyện quen thuộc với mọi người:

(Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân (tức Thổ công – Phạm Lang) 

SỰ TÍCH TÁO QUÂN

“Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có hai vợ chồng nghèo khó, nhưng sống với nhau rất hoà thuận. Anh chồng tên là Trọng Cao, chị vợ tên là Thị Nhi. Hiềm một nỗi lấy nhau đã lâu vẫn không có con nên cả hai đều buồn phiền. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những chuyện lục đục.

Một lần, trong khi lời qua tiếng lại vì một chuyện không đâu, Trọng Cao lỡ tay đánh vợ. Giận chồng, Thị Nhi bỏ nhà đi và trong lúc lưu lạc nơi đất khách quê người, Thị Nhi đã gặp Phạm Lang. Thông cảm hoàn cảnh của nhau, hai người yêu nhau rồi thành vợ, thành chồng.
Sau khi Thị Nhi bỏ đi, Trọng Cao rất hối hận. Bán hết gia tư, điền sản lấy tiền làm lộ phí, đi tìm vợ. Đến nhiều nơi, hỏi nhiều người, đến khi tiền lưng đã cạn, phải lần hồi bằng nghề hành khất vẫn không thấy tăm hơi Thị Nhi đâu cả.

Đến một lần, Trọng Cao vào một nhà nọ xin ăn, người mang cơm ra cho bất ngờ thay lại chính là Thị Nhi. Hai vợ chồng nhận nhau mừng mừng tủi tủi.
Hỏi han một hồi, Thị Nhi bảo Trọng Cao đi nghỉ, còn mình làm cơm thiết đãi. Lúc Thị Nhi vẫn mải làm trong bếp, Phạm Lang về. Nghi ngờ vợ mình có tư tình với Trọng Cao, không để vợ kịp thanh minh, Phạm Lang đã nói nặng lời. Lời qua, tiếng lại chẳng ai để ý dưới bếp ngọn lửa đã lan đến đống rơm.

Khi nghe mọi người hô hoán, cả hai giật mình nhìn ra thì… hỡi ôi, cái bếp đã là một cột lửa khổng lồ? Để bộc bạch lòng mình với Phạm Lang, Thị Nhi đã nhảy vào đống lửa. Quá bất ngờ, Phạm Lang như sực tỉnh liền lao vào cứu vợ. Trọng Cao thấy thế cũng nhảy vào luôn. Ngọn lửa quá to làm cả ba người cùng chết cháy. Ba con người trước khi chết còn nắm chặt tay nhau.
Cảm động trước cái chết của họ, Ngọc Hoàng phong họ chức Táo quân”.

HIỂU THÊM VỀ SỰ TÍCH

Tương truyền, chức tước của ba người được phong như sau:

1. Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân (tức Thổ công)
2. Thổ địa long mạch tôn thần (tức Thổ địa)
3. Ngũ Phương, ngũ thổ phúc đức chính thần (tức Thổ kỳ)

Như vậy, Táo quân không phải là một danh từ riêng chỉ ai đó, mà là danh từ chung cho cả: Thổ công, Thổ địa và Thổ kỳ. Vị trí giữa là Vua Bà, bên trái là Thổ công, bên phải là Thổ địa.
Trong thế giới tâm linh, mỗi nhà có ba vua trông coi việc bếp núc. Theo truyền thuyết, Phạm Lang là Thổ công, được giao nhiệm vụ trông coi bếp; Trọng Cao là Thổ địa trông coi việc trong nhà; Thị Nhi là Thổ kỳ trông coi việc chợ búa. Sự sắp xếp đó cho thấy Táo quân tuy một mà ba , tuy ba mà một, nhưng mặt khác tích truyện này cũng lại đưa ra một điều nghịch lý.

Người Việt thời xưa không bao giờ chấp nhận chế độ “đa phu” – một bà hai ông và thường chỉ trích: “Thế gian một vợ một chồng, không như vua bếp hai ông một bà”. Lý giải về sự tế nhị này, ta thấy do Trọng Cao đánh vợ nên Thị Nhị bỏ đi, tái giá với Phạm Lang. Xét về lý, theo chế độ một vợ, một chồng, chỉ có Phạm Lang là chồng Thị Nhị. Về tình, Trọng Cao là chồng cũ, ân hận việc “vũ phu” nên đi tìm vợ. Vợ chồng tay gối má kề đâu dễ quên nhau.

Ông trời đã xét cả lý lẫn tình nên mới triệu tập Táo quân về họp tổng kết hàng năm từ ngày 23 tháng Chạp cho đến tận Giao thừa. Một tuần Phạm Lang đi họp, cũng là một tuần duy nhất trong năm Thị Nhi được dành hết sự chăm sóc cho người chồng cũ, và là tuần duy nhất Trọng Cao được thể hiện tình cảm vợ chồng vốn mặn nồng khi xưa.

Ngày trước, cúng ông Công, ông Táo phải dùng cá chép kho hay rán. Thế nhưng tục này đã được “chuyển thể” từ cá chép nấu chín thành cá chép sống và bây giờ là cá giấy để đốt hoá vàng.
Ngoài ra, với quan niệm Táo quân là vị thần thứ nhất, quan trọng hàng đầu trong gia đình, nên nhiều địa phương có tục lệ, con gái khi mới về nhà chồng phải làm lễ ở bếp, hay ở bàn thờ Thổ công, để xin phù trợ cho công việc bếp núc, tề gia, nội trợ.

Bếp lửa mang một ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài công dụng nấu chín thực phẩm, nó còn là nơi quy tụ cả gia đình, để chia sẻ với nhau bữa ăn ấm cúng. Lễ hội của người Việt bao giờ cũng gắn bó với nghi thức thắp lửa thiêng. Không gia đình nào là không có bếp lửa. Ngày nào lửa không bén trên bếp, ngày ấy là một ngày gia đình thiếu hơi ấm, thiếu tình thương.

Sự tích ông Táo trong dân gian có nhiều nét đẹp truyền thống. Người Việt thường nói: “Ở hiền gặp lành”. Ngày đầu năm, người ta cầu chúc nhau được phúc, được lộc, cũng là thời gian để hoà giải những bất đồng. Khởi đầu một năm bằng những điều tốt đẹp, để cả năm có phúc.[RIGHT][B]Nguồn[/B]: Diendan.Eva.Vn[/RIGHT].

Từ đó, dân gian thường làm lễ cúng vào buổi sáng, trước giờ Ngọ với mong muốn Táo quân sớm về chầu trời bẩm báo Ngọc Hoàng những việc tốt đẹp cũng như chưa tốt của gia chủ trong một năm qua.

LỄ VẬT VÀ BÀI KHẤN NÔM

Lễ cúng ngày nay bao gồm: 1 mâm cỗ mặn (cơm, canh, xôi, giò, thịt), trầu cau, hoa quả, rượu, nước, vàng mã (3 mũ cánh chuồn, 3 đôi hài, tiền vàng) cùng cá chép sống. Sau khi bày mâm cỗ cúng phải ăn mặc chỉnh tề, thánh kính vái 3 vái và đọc bài khấn nôm:
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Kính lạy ngài: Đông trù tư mệnh Táo phủ Thần Quân .
Chúng con là: …………………………………………………

Ngụ tại: ……………………………………………………………
Nhân ngày 23 tháng Chạp, chúng con thành tâm sửa biện hương hoa, vật phẩm, xiêm, hài, áo, mũ, nghi lễ cúng trần, dâng lên trước Án, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén Tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời: Ngài Đông trù tư mệnh Táo phủ Thần Quân giáng lâm trước Án. thụ hưởng lễ vật.
Phỏng theo lệ cũ,
Ngài là vị Chủ,
Ngũ tự gia Thần,
Soi xét lòng trần,
Táo Quân chứng Giám.
Trong năm sai phạm,
Các tội lỗi lầm,
Cúi xin tôn Thần,
Gia ân châm chước,
Ban Lộc ban Phước,
Phù hộ toàn gia,
Gái trai , trẻ già.
An ninh khang thái.
Dãi tấm lòng thành,
Cúi xin chứng giám.

Bái thỉnh cửu thiên đông trù, ti mệnh táo quân.
Nhất gia chi chủ, ngũ tự chi thần.
Từ hậu thiệt ư, bắc đẩu chi trung.
Sát thiện ác ư, đông trù chi nội.
Tứ phúc xá tội, di hung hóa cát.
An trấn âm dương, bảo hữu gia đình.
Họa tai tất diệt, hà phúc tất tăng.
Hữu cầu tất ứng, vô cảm bất thông.
Đại bi đại nguyện. Đại thánh đại từ.
Cửu thiên đông trù. Ti mệnh lô vương.
Nguyên hoàng định quốc. Hộ trạch thiên tôn.
Cấp cấp như luật lệnh.
(Vái lạy 3 vái)

Sau khi khấn xong, chờ tàn hương, xin lễ, mang vàng mã đi hóa, mang cá chép sống thả xuống ao hồ sạch. Theo tục lệ, cá chép còn khỏe, bơi nhanh nhẹn thì gia chủ đã hoàn tất lễ cúng một cách tốt đẹp.

(Tổng hợp)


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục